Nói đến di sản Hồ Chí Minh là nói đến một tổng thể bao gồm toàn bộ sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng ngời sáng và đạo đức, phong cách cao quý mà Người để lại cho chúng ta.

 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh. ẢNH: TƯ LIỆU
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là trường hợp hy hữu của lịch sử khi đã “đi xa” hơn nửa thế kỷ, nhưng sức sống trong di sản và dấu ấn mà Người để lại trong lịch sử dân tộc và nhân loại vẫn tỏa sáng, ngày càng được khẳng định.
 
Nói đến di sản Hồ Chí Minh là nói đến một tổng thể bao gồm toàn bộ sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng ngời sáng và đạo đức, phong cách cao quý mà Người để lại cho chúng ta.
 
Thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam
 
Di sản Hồ Chí Minh sống mãi bởi sự nghiệp cách mạng của Người không chỉ mở ra thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam - mà còn mở ra thời đại chống chủ nghĩa đế quốc trên quy mô toàn nhân loại. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người đã góp phần làm tan vỡ hệ thống thuộc địa, làm thất bại chủ nghĩa thực dân cả cũ và mới trên quy mô toàn thế giới.
 
Là người đứng đầu phong trào giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh trở thành người đại diện cho các dân tộc bị áp bức quyết đấu tranh cho quyền được làm người, quyền được sống trong độc lập, tự do. Vì thế, Hồ Chí Minh được mệnh danh là người “góp phần biến đổi bản đồ thế giới. Người đã đẩy bánh xe lịch sử theo hướng tiến bộ”. Ngày nay, chủ nghĩa đế quốc vẫn tồn tại dưới những hình thức tinh vi như sự xâm lăng về tài chính, văn hóa, sự đe dọa về quân sự, vũ lực... Trong một thế giới còn đầy rẫy sự bạo ngược, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn cờ cho cuộc đấu tranh vì chính nghĩa.
 
Di sản Hồ Chí Minh sống mãi bởi ở Người có một hệ thống tư tưởng mang tầm vóc, thể hiện sâu sắc những vấn đề căn cốt của thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên quy mô toàn nhân loại.
 
Thấu hiểu quy luật của thời đại ấy, tư tưởng “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” của Hồ Chí Minh vừa là “cẩm nang” cứu nước, vừa là phương hướng dựng nước đúng đắn của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Người còn kết tinh những khát vọng vĩnh hằng của nhân loại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Vì thế, tất cả những ai đã và đang đấu tranh cho khát vọng đó, đều tìm thấy ở Người sự cổ vũ nhiệt thành.
 
Tư tưởng của Người cũng thể hiện mong muốn đoàn kết và hợp tác hữu nghị của nhân dân thế giới. Chiến lược đoàn kết quốc tế của Người không chỉ hướng tới mục tiêu tìm kiếm sự ủng hộ của nhân loại cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam mà còn xuất phát từ tình cảm chân thành: “Quan sơn muôn dặm một nhà/Vì trong bốn biển đều là anh em”.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh còn sáng ngời một tinh thần đổi mới và hội nhập - xu thế lớn của thời đại chúng ta. Ngay trong Di chúc để lại, Người đã phác thảo một chiến lược đổi mới trên nét lớn và căn dặn: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.
 
Sự nghiệp Đổi mới do Đại hội Đảng VI đề xướng đã trở lại đúng tinh thần đó và thành tựu do Đổi mới mang lại thực sự vĩ đại. Đó là một minh chứng cho khả năng dự báo chiến lược của Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi bởi tư tưởng ấy không dừng lại ở lý thuyết. Nó đã và đang trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt 90 năm qua và sẽ mãi là kim chỉ nam hành động của dân tộc Việt Nam trong tương lai.
 
“Vì sao trái đất nặng ân tình...”
 
Di sản Hồ Chí Minh sống mãi bởi đạo đức, phong cách của Người đã trở thành chuẩn mực của đạo đức làm người, của văn hóa lãnh đạo.
 
Sinh thời, Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng đặc biệt quan tâm đến đạo đức mà còn là một tấm gương đạo đức ngời sáng. Nếu tài năng và trí tuệ của Người làm mọi người khâm phục, thì đạo đức của Người đã thu phục mọi trái tim. Nhân dân yêu mến Người không chỉ vì những gì mà Người đã mang lại cho họ mà còn vì Người là hiện thân cho những phẩm chất cao quý mà nhân dân luôn tôn thờ và hướng tới. Đồng chí, bạn hữu thì tìm thấy ở Người một tâm hồn chính trực, thủy chung, chân thành, nghĩa khí với tâm niệm “giúp bạn là tự giúp mình”.
 
Ngay cả những người không cùng quan điểm chính trị với Hồ Chí Minh cũng vẫn không thể không kính trọng sâu sắc con người đã hy sinh trọn vẹn đời mình cho lý tưởng cao quý: giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
 
Ở những thời điểm phát triển nóng về kinh tế, con người có thể xao nhãng các giá trị đạo đức; nhưng sau tất cả, đạo đức luôn có sức sống, sức hấp dẫn tự nhiên của nó. Vì thế, Hồ Chí Minh luôn là hình mẫu lãnh tụ mà con người khao khát kiếm tìm, đạo đức của Người sẽ mãi là chuẩn mực của văn hóa làm người. Ở Hồ Chí Minh còn định hình hệ thống phong cách độc đáo với sự hòa quyện giữa “chất” anh hùng và “chất” văn hóa. Phong cách của Người là phong cách của một con người vô cùng vĩ đại nhưng vô cùng bình dị; và bình dị bao nhiêu, Người càng vĩ đại bấy nhiêu.
 
Khi nhà thơ Tố Hữu đặt câu hỏi: “Vì sao trái đất nặng ân tình/Nhắc mãi tên Người - Hồ Chí Minh/Như một niềm tin, như dũng khí/Như lòng nhân nghĩa đức hy sinh”, mỗi người trong chúng ta đều có câu trả lời của riêng mình bởi di sản Hồ Chí Minh phong phú đến mức, chỉ một khía cạnh nhỏ trong cuộc đời - sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức, phong cách của Người cũng đã là một câu trả lời thuyết phục.
 
Con người ấy đã dành trọn đời mình để xây đắp một tương lai tốt đẹp cho dân tộc và nhân loại. Vì thế, dù lịch sử không ngừng biến đổi, dù cuộc đời Người chỉ dừng lại ở 79 mùa xuân, Hồ Chí Minh vẫn “không phải là một kỷ niệm của quá khứ. Người là một con người diệu kỳ cho tất cả mọi thời đại”. Đó chính là sự tôn vinh xứng đáng mà nhân loại đã dành cho Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta.
 
PGS-TS Trần Thị Minh Tuyết (Học viện Báo chí-Tuyên truyền/Thanh Niên)